Mô hình điểm chuyển đổi số cấp xã ở Quảng Ninh

Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện tỉnh, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã đi vào đời sống người dân; một trong số đó là mô hình ‘Xã, phường chuyển đổi số’ tại Thị xã Quảng Yên.

Lãnh đạo Thị xã Quảng Yên cùng các sở, ngành liên quan tham quan mô hình chuyển đổi số ở khu 2, phường Yên Giang.

Tháng 10/2022, phường Yên Giang và xã Cẩm La là 2 đơn vị hành chính cấp xã được Thị xã (TX) Quảng Yên chọn triển khai thí điểm mô hình “Xã, phường chuyển đổi số”. Thực hiện mô hình, nhiều cách làm hay, sáng tạo của 2 địa phương này đã đem lại những đổi thay tích cực trong đời sống kinh tế – xã hội trên địa bàn. 2 địa phương đã thành lập, kiện toàn Tổ công nghệ số cộng đồng và Đội xung kích hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số tại trụ sở UBND xã, phường và các khu dân cư. Các tổ, đội đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu.

Bà Lê Thị Hiền (phường Yên Giang) cho biết: Được Đội xung kích hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số của phường đến tận nhà hướng dẫn, sau chưa đầy 30 phút thao tác trên điện thoại, tôi đã hoàn thành các thủ tục xin cấp hộ chiếu. Trước đây để người dân phải đến cơ quan xuất, nhập cảnh của tỉnh để hoàn thành tờ khai, chụp ảnh; nay chỉ cần có điện thoại thông minh và CCCD gắn chíp tôi đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó nhận hộ chiếu tại nhà qua đường bưu chính. Tôi cảm thấy rất tiện lợi và thực sự hài lòng.


Hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối 5 khu phố tại phường Yên Giang.

Hoạt động hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng và Đội xung kích hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số đã giúp các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số tại 2 địa phương đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay 100% TTHC ở 2 địa phương này được cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp lên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của 2 địa phương có các bảng quét mã QR để tổ chức, công dân tra cứu thông tin, nộp phí, lệ phí…

Bà Lê Thị Ngọc Linh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Yên Giang, chia sẻ: Triển khai mô hình chuyển đổi số, phường phân công, giao nhiệm vụ cho từng CBCC, lực lượng công an, Đội xung kích, Tổ công nghệ số cộng đồng, trưởng khu phố; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai hiệu quả kế hoạch.

Đến nay 100% lãnh đạo, CBCC của phường thực hiện ký số văn bản điện tử và ký số đầy đủ các bước giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% sử dụng biên lai điện tử, thay thế toàn bộ biên lai giấy; 100% các cơ quan, đơn vị được cấp địa chỉ số thực hiện gắn biển địa chỉ số. Phường là đơn vị hành chính cấp xã đầu tiên trong tỉnh lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 5 khu phố trên địa bàn. Nhờ có hệ thống này, quy mô cuộc họp được mở rộng, đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

ĐVTN TX Quảng Yên triển khai công trình quét mã QR giới thiệu các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Trong nội dung kinh tế số và xã hội số, Yên Giang và Cẩm La đều xây dựng được các điểm nạp, rút tiền kết hợp thanh toán dịch vụ trực tuyến không dùng tiền mặt; tạo lập điểm đến và quảng bá hình ảnh các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên Google Maps; lập các fanpage mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Phường Yên Giang đã định vị điểm đến cho 46/46 cơ sở kinh doanh; xã Cẩm La định vị điểm đến cho 20/58 cơ sở kinh doanh, đạt hơn 30%.

Riêng tại Yên Giang, 100% trường học thanh toán phí, học phí không dùng tiền mặt; 650 hộ gia đình cài đặt ứng dụng TV360; 100% nhà văn hóa thôn, khu phố, chợ, trường học, điểm vui chơi lắp đặt wifi miễn phí; di tích đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang được tạo mã QR để check thông tin…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự đồng lòng của nhân dân, mô hình “Xã, phường chuyển đổi số” đang được TX Quảng Yên nhân rộng. Thị xã ưu tiên tập trung hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ, nền tảng số thiết yếu; đầu tư đảm bảo hạ tầng mạng wifi tại các nhà văn hóa, hệ thống camera an ninh khu dân cư; kích cầu người dân sử dụng điện thoại thông minh… Đồng thời nghiên cứu thêm những giải pháp phù hợp, đưa công tác chuyển đổi số ở cấp xã ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế – xã địa phương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *